Kinh doanh online giờ đây đã không còn là một cụm từ xa lạ như nhiều năm về trước, Internet dần trở thành một mảnh đất màu mỡ không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho cả các cá nhân muốn khởi nghiệp với số vốn ít ỏi.
Nếu cách đây khoảng chục năm muốn khởi nghiệp kinh doanh bạn cần phải có một số vốn khá lớn để thuê mặt bằng, trang trải chi phí nhân sự và duy trì hoạt động thì ngày nay Internet đã mang đến những cơ hội to lớn hơn bao giờ hết, giúp bạn rút ngắn về thời gian tích lũy vốn cũng như giảm thiểu rủi ro tài chính trong quá trình khởi nghiệp kinh doanh. Đã có rất rất nhiều người thành công từ thế giới Internet, tiêu biểu là Jack Ma - tỷ phú giàu nhất châu Á tính đến thời điểm hiện nay. Tại Việt Nam cũng đã có vô số doanh nhân thành công từ khởi nghiệp Internet có thể kể đến nhưcâu chuyện khởi nghiệp của Tiki hay nhaccuatui.com và danh sách này sẽ còn dài dài thêm nữa. Thành công nhiều nhưng thất bại cũng không hề ít. Nếu bạn nghĩ kinh doanh online chỉ đơn thuần là dựng 1 website lên và rồi khách hàng tự dưng kéo đến website của bạn để mua hàng thì có lẽ bạn đã cầm chắc thất bại. Chúng ta đã thấy rất nhiều câu chuyện thành công nhưng nguyên nhân khách hàng kéo đến website của họ thì hầu như chẳng bao giờ được đề cập đến. Trong giới hạn bài viết này tôi sẽ hướng dẫn cho các bạn một số kiến thức các bạn cần chuẩn bị trước khi bắt đầu bước vào thế giới kinh doanh online.
1. Facebook Fanpage
Việc bán hàng không nhất thiết lúc nào cũng phải cần đến 1 website nếu bạn không biết phát huy sức mạnh của website. Với số vốn nhỏ đôi lúc bán hàng qua Facebook sẽ giúp bạn nhanh chóng tiếp cận khách hàng tiềm năng tốt hơn. Những gì bạn cần là tăng số lượng fanpage, quảng cáo fanpage rộng rãi trên các diễn đàn (điều này không chỉ tiếp cận khách hàng dễ hơn mà còn giúp Google xếp hạng fanpage của bạn lên đầu trong kết quả tìm kiếm nếu từ khóa có độ cạnh tranh thấp), chạy Facebook Ad (Sponsored Ad), thường xuyên post bài và trả lời thắc mắc của khách hàng.
2. Website
Đây chắc hẳn là thứ bạn sẽ nghĩ đến nhiều nhất. Đối với website bạn có thể tự học thiết kế web và làm cho mình 1 trang cũng không hề khó hoặc bạn có thể thuê bên ngoài tuy nhiên một website nếu không quảng bá rộng rãi ra thế giới Internet cũng sẽ giống như một bãi đất hoang không có người cày cấy, sớm muộn rồi cũng khô cằn. Để thu hút lượng truy cập và tăng tỉ lệ khách hàng đến website bạn cần phải:
- SEO website lên top Google - bạn có thể tự học SEO để làm việc này hoặc thuê các công ty bên ngoài. Tuy nhiên nếu bạn có nguồn thời gian nhiều hơn nguồn tài chính thì tôi khuyến khích bạn nên tự làm. SEO thật sự không khó cái khó chính là bạn cần đầu tư thời gian rất nhiều có thể là 3 tháng hoặc lâu hơn là cả năm với những từ khóa khó. Nếu bạn thuê ngoài thì sau này bạn sẽ có thể tốn thêm chi phí để duy trì từ khóa ở top.
- Quảng cáo Google Adwords - bạn cũng có 2 giải pháp là tự học Google Adwords để chạy quảng cáo hoặc thuê bên ngoài, sự khác nhau là chi phí CPC (Cost per click) giữa bạn và agency khác nhau như thế nào mà thôi. Nếu bạn thấy mình có thể làm tốt thì tôi khuyên bạn nên tự làm nó thật sự rất dễ.
- Viết bài PR - bạn có thể đăng bài PR trên các diễn đàn miễn phí hoặc các trang báo lớn có trả phí - vấn để quan trọng nhất là bạn nên biết được phân khúc khách hàng của bạn phù hợp với những trang nào để có sự lựa chọn đúng đắn.
- Liên tục xây dựng nội dung - bạn nên hạn chế copy nội dung từ trang khác vì nội dung bạn copy càng nhiều thì thứ hạng website của bạn sẽ càng lúc càng xuống thấp. Hãy viết những gì khách hàng cần và liên quan đến lĩnh vực của bạn. Nên có phần tương tác bình luận đây sẽ là một cầu nối giữa bạn với khách hàng.
- Quảng cáo banner trên các trang web khác - đây có lẽ là chi phí lớn nhất và bạn nên có sự tính toán kỹ để lợi tức đầu tư (ROI) của bạn là tốt nhất.
- Mạng xã hội - hãy kết nối website của bạn chặt chẽ hơn với mạng xã hội - điều này sẽ giúp bạn tương tác với khách hàng tốt hơn.
3. Email marketing
Đây là hình thức tiếp thị khá hiệu quả với chi phí cực thấp. Với email marketing bạn sẽ dễ dàng gửi link website đến khách hàng để giới thiệu sản phẩm và dễ dàng nắm bắt được phản ứng của khách hàng chỉ trong 1 thời gian ngắn để có hướng điều chỉnh. Vấn đề mấu chốt trong email marketing là thời điểm gửi newsletter, tần suất gửi và cách thiết kế newsletter để tránh bị liệt vào spam.
4. Blog
Mặc dù ra đời đã lâu và bị mạng xã hội lấn át nhưng blog vẫn là một kênh tiếp cận khách hàng khá tiềm năng. Blog được xây dựng để làm website vệ tinh trong SEO và để xây dựng uy tín thương hiệu cho website. Blog là nơi để khách hàng tiếp cận những người đứng sau website và hiểu rõ hơn về thương hiệu. Xây dựng blog sẽ ngốn rất nhiều thời gian của bạn nên bạn chỉ nên xây dựng blog khi có quỹ thời gian phù hợp.